Mãn nhãn và đầy cảm xúc với các tiết mục âm nhạc đặc sắc trong buổi Biểu diễn tốt nghiệp của sinh viên ngành Thanh nhạc và Piano khoá 21- Khoa Âm Nhạc-Điện Ảnh, ĐH Nguyễn Tất Thành

Mãn nhãn và đầy cảm xúc với các tiết mục âm nhạc đặc sắc trong buổi Biểu diễn tốt nghiệp của sinh viên ngành Thanh nhạc và Piano khoá 21- Khoa Âm Nhạc-Điện Ảnh, ĐH Nguyễn Tất Thành.

NTTU – Với mục đích tổ chức một sân khấu để các sinh viên cuối khóa của khoa Âm nhạc – Điện ảnh chứng minh bản thân đã xứng đáng với tấm bằng cử nhân, các ngày 30/9, 1/10, 2/10, 3/10 và 4/10/2024, tại Hội trường 801 Trường ĐH Nguyễn Tất Thành khoa Âm nhạc – Điện ảnh đã tổ chức chương trình Biểu diễn tốt nghiệp cũng như là bài thi tốt nghiệp cho các sinh viên ngành Thanh nhạc và Piano khóa K21. 

Tham dự chương trình có sự góp mặt của các thầy cô, Ban chủ nhiệm của khoa bao gồm: ThS. NSƯT. Nguyễn Thị Ánh Tuyết – Trưởng khoa Âm nhạc – Điện ảnh, ThS. Nguyễn Văn Quy, ThS. Nguyễn Vũ Diệu Hiền, ThS. Nguyễn Thị Trang, ThS. Nguyễn Thái Thụy Tường Vy, ThS. Nguyễn Thị Kha Ly, ThS. Nguyễn Vũ Uyên Di, ThS. Lý Thị Hoàng Kim, ThS. Nguyễn Thị Minh Trang và khoảng 200 sinh viên các khoá tới xem và cổ vũ tinh thần cho các thí sinh.

ThS. NSƯT. Nguyễn Thị Ánh Tuyết – Trưởng khoa Âm nhạc – Điện ảnh cùng với Ban giám khảo tham dự buổi Biểu diễn tốt nghiệp năm 2024

Khán giả hào hứng, cổ vũ nhiệt tình cho các thí sinh

Đây là lần thứ 3 khoa Âm nhạc – Điện ảnh tổ chức chương trình Biểu diễn tốt nghiệp (kể từ năm 2022) tuy nhiên, ở mỗi một mùa thi lại mang lại một màu sắc khác nhau, đưa người xem đi từ cảm xúc này tới cảm xúc khác. Ngoài ra, dù là buổi biểu diễn tốt nghiệp nhưng sân khấu, âm thanh và sự dàn dựng bối cảnh, phục trang được tổ chức một cách chuyên nghiệp và ấn tượng.

Âm thanh, ánh sáng được đầu tư chỉn chu, chuyên nghiệp

Được biết, sinh viên ngành thanh nhạc (bao gồm nhạc nhẹ và cổ điển) được tổ chức báo cáo tốt nghiệp từ ngày 30/9 – 4/10 cùng với sự tham gia của 25 thí sinh với các bài thi khác nhau. Theo đó, mỗi sinh viên trình bày 6 tác phẩm gồm một ca khúc nghệ thuật Việt Nam; một ca khúc mang âm hưởng dân gian (đương đại); một Aria hoặc một Broadway (solo) hoặc ca khúc trong nhạc phim; hai ca khúc nhạc nhẹ Việt Nam mang hai phong cách khác nhau; một ca khúc nhạc nhẹ quốc tế hoặc romance.

Ngày 30/9, các sinh viên sẽ thi với band nhạc và được lựa chọn bài hát phù hợp với sở trường của bản thân. Tiếp đến là các ngày từ ngày 1-3/10, các thí sinh sẽ được hát trên nền beat có sẵn. Và sau cùng, vào ngày 4/10 là các tiết mục biểu diễn các các thi sinh thi Thanh nhạc cổ điển.

Xuyên suốt chương trình, các thí sinh đã có phần trình diễn vô cùng ấn tượng, cảm xúc, truyền cảm với những ca khúc nổi tiếng như “Ngày chưa giông bão”, “Nửa thập kỷ”, “Chạm khẽ tim anh một chút thôi”, “Cha”, “Hope (Hy vọng)”, “Ngựa ô thương nhớ”, … Bên cạnh đó, ngoài thể hiện chất giọng thiên phú được trui rèn trong quá trình học tập các bạn sinh viên còn thể hiện các vũ đạo đẹp mắt, phong cách biểu diễn đầy tự tin trên sân khấu đã mang tới “bữa tiệc” âm thanh đầy màu sắc và hấp dẫn. Từ đó cho thấy các thí sinh đã chứng minh được năng khiếu, khả năng và sự chuyên nghiệp của bản thân trong việc xử lí bài hát, xử lí nốt nhạc thông qua quá trình tích lũy, thu thập, học hỏi từ thầy cô trong suốt những năm gắn bó, học tập.

Các thí sinh đã có những màn trình diễn đầy cảm xúc, thuyết phục

Cũng trong sáng 3/10, các thí sinh ngành Piano cũng đã mang đến cho thầy cô cũng như Ban giám khảo và khán giả những màn “nhảy múa của những ngón tay” trên phím đàn dương cầm. Những màn trình diễn trên phím đàn ấy để lại ấn tượng vô cùng đặc sắc, thu hút người nghe.

Những màn độc tấu Piano của thí sinh ngành Piano khoa Âm nhạc – Điện ảnh mang tới những cảm xúc ấn tượng cho người nghe

Chương trình không chỉ là một kỳ thi tốt nghiệp mà còn là cơ hội để các sinh viên cuối khóa thử sức bản thân ở một sân khấu lớn, ghi lại dấu ấn trong lòng thầy cô, bạn bè, người thân và mở ra những cơ hội mới trong sự nghiệp theo đuổi nghệ thuật của mình.

Khoa Âm nhạc – Điện ảnh đã thực hiện đúng triết lý đào tạo: “Thực học – Thực hành – Thực danh – Thực nghiệp” của Nhà trường khi kết hợp giảng dạy lý thuyết song song với thực hành biểu diễn. Các sinh viên không chỉ được trang bị kiến thức chuyên sâu về lý thuyết âm nhạc mà còn có nhiều cơ hội tham gia các hoạt động biểu diễn nghệ thuật trong và ngoài Nhà trường. Nhờ vào phương pháp đào tạo gắn lý thuyết với thực hành, các sinh viên của khoa đã có một môi trường học tập đầy năng động, tích cực, mới mẻ và sáng tạo, sau khi tốt nghiệp tìm được công việc phù hợp với bản thân và đáp ứng với thị trường âm nhạc trong và ngoài nước.

Thực hiện: Thiên Bảo